Để khuyến khích văn hóa đọc trong học đường, tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng một số thư viện hiện đại, thí điểm xây dựng không gian đọc sách mở và thân thiện với tên gọi “thư viện mở”, “thư viện xanh”. Đông đảo học sinh và giáo viên rất hào hứng với các mô hình thư viện mới.
Vừa đọc sách vừa thư giãn
Hiện nay, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh đều có phòng thư viện hoặc nhà thư viện. Nhiều trường chỉ đạo xây dựng tủ sách trong các phòng học. Nhờ có nguồn tài trợ tư nhân và đầu tư từ ngân sách, một số thư viện được đầu tư xây dựng mới, được thiết kế sắp xếp khoa học, thân thiện.
Thư viện trường THCS Lý Tự Trọng (huyện Bình Xuyên) đón hàng trăm học sinh mỗi ngày nhờ không gian đọc rộng rãi, sạch đẹp. Sàn thư viện được ốp gỗ, do đó học sinh có thể ngồi đọc sách bất cứ chỗ nào. Học sinh còn có thể mua nước uống và bánh kẹo để vừa đọc sách vừa thư giãn.
Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Tài cho rằng: Thư viện không phải là nơi học tập nghiêm túc mà phải thật sự là nơi thư giãn, nghỉ ngơi, giải trí của thầy và trò.
Hiện nay thư viện trường THCS Lý Tự Trọng có hơn 7.000 đầu sách với hơn 13.000 bản sách, bên cạnh đó còn có 13 máy tính kết nối internet cho học sinh sử dụng miễn phí. Thư viện mở cửa thông qua trưa, thời gian mở cửa được phân chia cho từng khối lớp.
Em Nguyễn Thị Thùy Linh, học sinh lớp 9B, cho biết: Chúng cháu rất thích đến thư viện vì không gian thân thiện, yên tĩnh và có rất nhiều loại sách.
Thư viện xanh của trường tiểu học Tam Hợp (huyện Bình Xuyên) là một nhà lắp ghép dựng ở góc sân trường, được thiết kế với không gian mở, sinh động và đẹp mắt.
Hiệu trưởng trường tiểu học Tam Hợp Trần Thị Tố Oanh cho biết: Nhà trường đang duy trì ba loại hình thư viện: Thư viện trong nhà, thư viện ngoài trời và tủ sách của mỗi lớp học.
Trên địa bàn Vĩnh Phúc còn có rất nhiều mô hình thư viện độc đáo. Thư viện trường THCS Tô Hiệu có khoảng 5.000 đầu sách, là một trong những thư viện được thiết kế đẹp mắt và hiện đại nhất của thành phố Vĩnh Yên.
Từ ngày có thư viện này, học sinh hào hứng hơn với việc đọc sách. Các em có thể đọc tại trường hoặc mượn sách về. Nhà trường sắp xếp thời gian biểu để các lớp đều có giờ đọc sách. Riêng khối lớp 9 do chương trình học nặng hơn nên học sinh có thể mượn sách về nhà đọc.
Mô hình thư viện trên cây của trường tiểu học thị trấn Vĩnh Tường khiến học sinh rất thích thú vì tại đây các em có thể chơi đùa thoải mái. Thư viện gồm hai khối nhà hai tầng hình tròn ôm lấy những cây xà cừ cổ thụ trên sân trường. Một cây cầu nhỏ nối hai khối nhà với nhau tạo thành một khu đọc sách - vui chơi độc đáo.
Để khắc phục sân trường chật hẹp, trường THCS Tề Lỗ (huyện Yên Lạc) bố trí một số bàn đọc sách ngay tiền sảnh và tủ sách được treo lên những cây cột để bảo quản sách.
Hiệu trưởng trường THCS Tề Lỗ Nguyễn Văn Nguyên hào hứng giới thiệu bộ truyện tranh “Gieo hạt cùng vĩ nhân” mới trang bị cho thư viện: Nhiều học sinh thích thú sách tranh, truyện ngắn vì chỉ cần vài phút có thể đọc xong một truyện. Trường chọn mua những cuốn sách hay, có ý nghĩa giáo dục để định hướng tư duy cho các em.
Đa dạng phương thức đọc sách
Hai năm qua, phong trào cải tạo, xây dựng thư viện mở lan rộng khắp tỉnh Vĩnh Phúc, nhất là từ khi lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp vận động các nhà tài trợ xây dựng các thư viện hiện đại trong trường học vào năm 2021.
Nhiều thư viện trở thành điểm nhấn văn hóa tại các trường. Năm 2023, ngành giáo dục-đào tạo tỉnh tích cực triển khai Đề án “Xây dựng không gian đọc sách mở và thân thiện trong trường học tại tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2024” với nhiều mục tiêu cụ thể nhằm xây dựng văn hóa đọc trong các trường học.
“Văn hóa đọc” đã trở thành đề tài được nhiều người dân Vĩnh Phúc quan tâm. Giáo viên và phụ huynh đều muốn, sách sẽ trở thành lựa chọn của trẻ bên cạnh các phương tiện giải trí điện tử như truyền hình, internet, điện thoại và trò chơi. Các trường học cũng chú ý thay đổi phương thức đọc sách cho phù hợp với điều kiện mới.
Các mô hình thư viện trong nhà, tủ sách trong lớp học đang phát huy hiệu quả tốt. Song mô hình thư viện ngoài trời cần thời gian để đánh giá vì đọc sách trong không gian rộng, loãng, ồn ào sẽ khiến người đọc mất tập trung. Các trường có diện tích nhỏ hoặc thiếu thốn về cơ sở vật chất khó có thể xây dựng thư viện ngoài trời. Khí hậu vùng tỉnh Vĩnh Phúc nắng lắm, mưa nhiều cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động đọc sách ngoài trời. Một số trường kiến nghị cần kinh phí để xây dựng, bảo quản, vận hành các thư viện ngoài trời.
Để phát huy vai trò của các thư viện, các trường cần sử dụng các ứng dụng mới như sách nói, đọc sách online, giới thiệu sách trực tuyến, tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu sách, cung cấp danh mục sách hay để học sinh tìm đọc, hướng dẫn học sinh tham gia các diễn đàn văn hóa đọc.
Các thư viện xanh cần trở thành những điểm vui chơi đa chức năng trong trường, không chỉ dừng lại ở chức năng đọc sách. Các trường cũng thể sử dụng máy đọc sách điện tử (ebook reader) như một thư viện di động. Thư viện hiện đại cần kết hợp các phương thức đọc sách truyền thống với phương thức đọc sách mới như đọc sách trực tuyến trên điện thoại, máy tính, ipad, sách nói (audiobook) và các phần mềm nghe đọc sách online.
Tỉnh Vĩnh Phúc cần phát huy tốt hệ thống thiết chế thư viện hiện có, gồm Thư viện tỉnh, thư viện của các huyện, xã, đơn vị.
Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc cần được đầu tư trở thành một trung tâm văn hóa cung cấp nhiều hình thức giải trí cho học sinh và người nhà học sinh như xem phim, trưng bày nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật, đánh cờ, đi dạo, các quầy phục vụ ăn uống…
Nếu phát huy đồng bộ các thiết chế văn hóa nêu trên, văn hóa đọc sẽ có chỗ đứng vững chắc trong nhà trường và cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.