Trong mạng lưới thư viện trường học rộng khắp ở nước ta đã và đang nổi lên nhiều điểm sáng thân thiện. Đó là kết quả cố gắng không ngừng, phát huy thành công nguồn lực đầu tư vào thư viện trường học, là kết quả tâm huyết của những giáo viên – thủ thư dù xuất phát điểm chuyên nghiệp hay tự mày mò kĩ năng nghề trong bối cảnh ưu tiên đầu tư cho thư viện trường học còn chưa được thật đủ lúc này.
Học sinh chưa gần thư viện trường học - chuyện thật như đùa
Sau nhiều nỗ lực đầu tư nâng cấp hệ thống thư viện trường học ở nước ta, đôi khi chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng mạng lưới này chưa phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo như kì vọng của ngành giáo dục, nhà quản lí, giáo viên và học sinh. Đích đến phát triển và duy trì ở trẻ em thói quen hứng thú trong việc đọc, nghiên cứu và thói quen đến thư viện trong suốt cuộc đời của trẻ sẽ còn cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ phía nhà trường và những người làm công tác thư viện.
Không hiếm học sinh không biết thư viện nằm ở chỗ nào trong khuôn viên trường, không tới thư viện trường vì… chẳng có việc gì cần, thậm chí nhiều em còn ồ lên ngạc nhiên “trường mình cũng có thư viện á?”. Cũng không hiếm những thư viện trường có khung cảnh đẹp, thậm chí trang bị internet, bàn ghế, tủ giá đầy đủ nhưng tìm hiểu kĩ thì có ít sách, ít đầu sách hoặc chỉ là nhóm sách mà các em đều đã có để sử dụng hằng ngày. Mảng sách giải trí thu hút các em về các hoạt động sinh hoạt khác có sức hút liên quan tới đánh thức văn hóa đọc đều vắng bóng. Thư viện dù đạt chuẩn nhưng không duy trì được nếp hoạt động đáp ứng trúng và đúng nhu cầu học tập và mở rộng vốn tri thức của học sinh thì xem ra danh hiệu chuẩn mới chỉ là hình thức so với yêu cầu phục vụ thực tế.
Thời gian ở trường của học sinh chỉ dành cho các sinh hoạt học tập trên lớp, trong sinh hoạt ngoại khóa hầu như cũng vắng bóng thời gian liên quan tới hoạt động ở thư viện trường. Nhu cầu đọc, tra cứu của học sinh từ nguồn thư viện trường, dù với khối sách tham khảo hay giải trí cũng có vẻ mất đi.
Bộ phận học sinh có niềm đam mê đọc, dù không đông trong bối cảnh hiện nay, ái ngại thay, cũng có những lí do để không có cơ hội làm thân với thư viện trường dù em thực muốn. Đây đó vẫn còn tình trạng giáo viên… không muốn học sinh đọc truyện, dù là truyện chữ hay truyện tranh, sách tham khảo vì cho rằng mê đọc sách là một nguyên nhân khiến các em thiếu tập trung khi học. Dù chỉ rất ít trẻ gặp vấn đề kiểu ấy nhưng nhà trường quyết định không cho các cháu đọc sách nữa, không cho mang sách tới trường và đọc, mượn ở thư viện trường càng dễ cấm. Cách quy định máy móc này rốt cuộc khiến thư viện trường dù đạt chuẩn hay sơ sài cũng đều là “khu vực xa lạ” đối với học sinh. Thậm chí có trường hợp phụ huynh đã chuyển con từ trường danh tiếng mà cấm đọc sách kiểu này về trường bình thường hơn nhưng có cơ chế quản lí cân bằng hơn đối với nhu cầu phát triển tri thức của học sinh, không ngăn cấm các em tìm tòi, khám phá, mở rộng hiểu biết qua hoạt động đọc sách.
Như thế, giữa nhu cầu của học sinh và sự đáp ứng của thư viện trường học vẫn còn là khoảng cách cần xóa bỏ. Để thư viện thực sự là không gian thân thiết với các em, cần một chiến lược nỗ lực đồng thuận từ tất cả các bên liên quan.
Thư viện - Những nỗ lực hướng đến thân thiện
Rất nhiều thư viện nhà trường ở các khối cấp phổ thông, ở đô thị lớn hay ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn đã tận dụng và phát huy tốt nguồn lực thư viện cả về vật chất và con người để xây dựng thành công mô hình thư viện thân thiện, thu hút học sinh tìm tới thỏa mãn nhu cầu tra cứu, tham khảo, giải trí.
Những mô hình tủ sách thư viện góc lớp, thư viện phục vụ lưu động ngoài trời đã thực sự hướng tới cung cấp cơ hội tiếp cận thư viện công bằng giữa các học sinh, góp phần quan trọng xây dựng thói quen đọc sách, hỗ trợ việc dạy – học tích cực. Cũng ghi nhận được nhiều sáng kiến, nỗ lực của các thư viện để “chuyên nghiệp hóa” thực sự hệ thống hoạt động, không thụ động chờ học sinh có nhu cầu tìm đến mà đã tổ chức những hoạt động thúc đẩy các em tham gia vào đọc sách tích cực, tức là đọc và biến được tri thức từ sách thành tài sản của mình, áp dụng vào đời sống học tập, sinh hoạt.
Phong trào thi đua đọc, thi tìm hiểu sách, thi viết bình luận sách được duy trì định kì, thường xuyên… đã tạo điều kiện cho học sinh dần dần hình thành nhu cầu đọc sách tự giác, đọc sách có phương pháp. Kết quả của những nỗ lực ấy cho thấy việc đánh thức nhu cầu đọc của học sinh, khả năng kéo các em tới thư viện, sử dụng nguồn lực thư viện hiệu quả trong học tập, tu dưỡng là hiện thực khả thi.
Những thành công ấy được ghi nhận ở cả những trường có điều kiện vật chất đầy đủ hoặc còn khó khăn, trong hệ thống trường công lập và tư thục. Như vậy cơ sở vật chất đầu tư vào thư viện, dù là yếu tố quan trọng nhưng vẫn chưa phải là nguyên nhân cơ bản, chưa là toàn bộ nguyên nhân quyết định “tình thân” giữa thư viện và học sinh.
Hiện tại, rõ ràng sự thân thiện của thư viện trường học chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các lí do vĩ mô như hiện trạng sụt giảm văn hóa đọc trong xã hội, chất lượng và nội dung sách không đủ hấp dẫn, không đảm bảo tính giáo dục, sự lấn át đáp ứng nhu cầu thông tin từ các kênh truyền thông nghe - nhìn khác và internet.... Tuy thế, trước hết cần nhìn nhận những nguyên nhân trực tiếp liên quan tới hoạt động tiếp cận, sử dụng nguồn lực thư viện trường học từ phía học sinh, tổ chức thư viện.
Thử lí giải nguyên nhân của khoảng cách giữa học sinh và thư viện
Về phía học sinh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em chưa thực sự gần gũi, yêu thích và hình thành nhu cầu đọc tối thiểu đối với thư viện. Một mặt, khối lượng bài vở phải hoàn thành khiến các em không còn thời gian cho thú vui đọc sách hoặc tra cứu sách vở, chưa nói gì tới việc hình thành bền vững nhu cầu đọc, trở thành người đọc suốt đời.
Mặt khác, yêu cầu của giáo viên bộ môn, kể cả giáo viên các môn xã hội, gần như đều chỉ hướng tới phạm vi sách giáo khoa, sách bài tập, sách nâng cao… mà học sinh nào cũng phải có đủ của riêng mình. Họa chăng có nhu cầu mở rộng tra cứu thì các công cụ tra cứu điện tử quá nhanh chóng và tiện lợi luôn là lựa chọn hàng đầu của các em. Rồi tình trạng học vẹt, trả bài theo đáp án sẵn có… càng khiến học sinh sa vào tư duy thụ động.
Khi có thời gian hoặc khi có nhu cầu giải trí, không ít học sinh thường chỉ tìm tới các trò chơi điện tử, xem tivi, chát chít. Một phần vì sức ép sách vở trong chương trình học chính khóa đã tạo nên ức chế muốn rũ bỏ việc khám phá, sáng tạo tri thức liên quan tới sách, giấy, con chữ. Phần nữa, thiếu một phong trào chia sẻ thú vui đọc sách, tuổi học trò không tìm thấy ở đọc sách những liên kết cộng đồng, hội nhóm bè bạn vốn là đặc trưng tâm lí giao tiếp tuổi các em nên tất yếu sẽ hướng đến các hoạt động kết giao khác.
Đặc biệt, do các em bị buông lơi, thậm chí là thực sự thiếu hụt các hỗ trợ, gợi mở xây dựng nhu cầu đọc, kĩ năng đọc và duy trì thói quen đọc nên rốt cuộc hoạt động đọc không trở thành hoạt động tích cực và thường xuyên ở các em như nó vốn phải thế trong giai đoạn phát triển lứa tuổi, tích lũy tri thức để trưởng thành này. Cứ thế, các em không có cả nhu cầu tiếp cận thư viện trường học lẫn tiếp nhận thông tin từ nguồn sách vở, tài liệu ở đó.
Với những rào cản ấy từ phía học sinh – người đọc, đối tượng phục vụ đích của mình, hệ thống thư viện trường học dẫu được đầu tư để đạt chuẩn hoặc nỗ lực tìm tòi hình thức để tiếp cận các em thì vẫn trầy trật về hiệu quả.
Các nhà chuyên môn đưa ra và thúc đẩy triển khai những mô hình thư viện thân thiện, thư viện thông minh, đặt ra những mức chuẩn phấn đấu phát triển hệ thống thư viện trường học để tạo cơ sở vật chất, nguồn lực tri thức, đón chờ học sinh tìm tới sử dụng. Theo hướng chuyên nghiệp hóa thư viện trường học, người ta cũng triển khai nhiều hoạt động thí điểm và nhân rộng các hoạt động làm thông tin sách tới các em nhưng nhiều nơi vẫn chỉ mang tính phong trào, lôi kéo chứ chưa thực sự chuyển biến được thành nhu cầu nội tại của học sinh, chưa tới được với dấu hiệu bền vững trong mối kết giao giữa thư viện với học sinh.
Ngoài rào cản từ phía học sinh kể trên, tính hình thức trong quan điểm xây dựng hệ thống thư viện trường học của các nhà quản lí trường, chỉ nâng cấp thư viện cho đủ đạt một tiêu chí để được công nhận khiến vai trò của cả thư viện lẫn nhân viên thư viện không được đặt ra đầy đủ, không kích thích được sự sáng tạo và nỗ lực chuyên môn của họ. Thậm chí ở những trường đã có thư viện hoạt động được xếp vào hàng tốt, vượt chuẩn, sinh hoạt đa dạng thì những rào cản này vẫn còn. Không hiếm thư viện được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ nhưng hiệu quả không cao vì cốt lõi của hiệu quả thư viện trường học là đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh, xây dựng văn hóa đọc cho các em.
Câu chuyện đưa thư viện tới với người đọc – học sinh, biến nhiệm vụ đọc sách thành niềm hứng thú của học sinh là trách nhiệm của rất nhiều bên liên quan, từ trong chính nhà trường và gia đình, xã hội. Đường đi không phải một sớm một chiều mà đến, khó khăn không ít nhưng không phải vì thế mà có thể ngừng nỗ lực. Vấn đề là cần một chiến lược hiệu quả cho sự phối hợp này.